Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt là yêu cầu cấp thiết được đặt ra với ngành y tế và đang được chú trọng triển khai trên toàn quốc. Việc thanh toán viện phí không dùng tiền mặt không chỉ giúp xóa bỏ các thủ tục hành chính mà còn hạn chế tối đa những rủi ro phát sinh khi dùng tiền mặt đối với người bệnh, đồng thời bệnh viện dễ dàng quản lý thông tin bệnh nhân, số tiền thu dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Song song với đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong khám, chữa bệnh, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Hiện toàn ngành y tế đã có một số bệnh viện tuyến huyện đưa vào áp dụng và bước đầu đạt được một số kết quả khả quan.
Từ tháng 4/2023 Trung tâm Y tế Đức Trọng đã kết hợp với ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam- Chi nhánh Lâm Đồng tiến hành hướng dẫn người bệnh đến khám, chữa bệnh quét mã QR để thanh toán chi phí khám chữa bệnh khi đến Trung tâm Y tế huyện Đức Trọng. Bên cạnh đó, tại các đơn vị y tế cơ sở cũng đã hướng dẫn thực hiện thanh toán bằng chuyển khoản hoặc từ tài khoản ngân hàng cá nhân trên điện thoại vào số tài khoản của Trung tâm Y tế Đức Trọng đối với thu dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu.
Kết quả đạt được tính đến ngày 30/06/2023 là: Tỷ lệ chi phí dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu thu qua quét mã QR đạt 12% trên tổng chi phí dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, Tỷ lệ lượt thanh toán qua quét mã QR đạt 2% trên tổng lượt thanh toán của đơn vị.
Kết quả cho thấy thanh toán điện tử không tiền mặt mang lại nhiều lợi ích cho cả bệnh viện, người bệnh và xã hội. Người bệnh không còn phải xếp hàng đợi thanh toán; giảm thiểu rủi ro giao dịch tiền mặt (nhầm lẫn, thống kê, đối soát). Đối với bệnh viện giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn đơn/phiếu; tiết kiệm chi phí, nhân lực, giúp bệnh viện quản trị hiệu quả; rút ngắn quy trình khám, chữa bệnh; tích hợp với hệ thống thông tin bệnh viện, hồ sơ bệnh án điện tử, góp phần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số bệnh viện, hướng tới mô hình “Bệnh viện thông minh”. Người dân không phải chờ đợi xếp hàng, dễ dàng và rút ngắn thời gian thanh toán chi phí khám, chữa bệnh, tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí và đảm bảo sức khỏe tinh thần; không phải mang tiền mặt, giảm nhẹ áp lực mất mát tiền khi đi lại tàu xe trên đường và trong quá trình nằm điều trị; người bệnh có thể tự thanh toán khi xuất viện mà không cần phải có người nhà đi cùng để làm các thủ tục thanh toán…
Tuy nhiên thanh toán không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế như: Tỷ lệ người dân, đặc biệt là người bệnh có thẻ để thanh toán còn thấp; Đối tượng bệnh nhân chủ yếu là người già, trung niên vẫn giữ thói quen thanh toán bằng tiền mặt, chưa quen sử dụng thẻ, các ứng dụng di động để thanh toán.Vì vậy phải thay đổi được thói quen này của người dân.
Như vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở khám, chữa bệnh, không chỉ đem lại tiện ích cho người dân, mà còn giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm nhân lực và rút ngắn quy trình khám chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch Covid -19. Thời gian tới các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt trong khám chữa bệnh.
Phòng TCKT – Trung tâm Y tế Đức Trọng