Vậy lipid máu là gì? Lipid máu còn gọi là mỡ máu.
Rối loạn lipid máu là bệnh lý của sự gia tăng bất thường những loại chất béo gây tác động xấu cho hoạt động của cơ thể ( cholesterol, triglyceride, LDL) và sự giảm xuống các chất béo có vai trò bảo vệ cơ thể, chống bệnh tật(HDL).
Rối loạn lipid máu diễn biến thời gian dài mà không thể nhận biết và không gây ra bất cứ triệu chứng đặc trưng nào. Bệnh chỉ phát hiện do kiểm tra sức khỏe định kỳ, xét nghiệm khi nằm viện vì một lý do y tế khác. Nhưng nếu để bệnh lý này kéo dài sẽ gây ra biến chứng ở các cơ quan, là yếu tố hàng đầu gây lắng đọng, xơ vữa động mạch. Hậu quả của xơ vữa động mạch vành gây nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch cảnh gây đột quỵ, xơ vữa động mạch hai chi dưới gây thuyên tắc, thiếu máu, hoại tử bản chân; các ban vòng ở mắt
Nguyên nhân của rối loạn lipid máu do:
- Lối sống tĩnh tại, ăn nhiều calo, thực phẩm giàu chất béo bão hòa, thiếu chất xơ.
- Do bệnh lý: đái tháo đường, bệnh thận mạn, suy giáp, xơ gan…
- Sử dụng một số thuốc: corticoid, estrogen…
- Lạm dụng rượu, hút thuốc lá
Cách phòng chống rối loạn lipid máu. Rối loạn lipid máu là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của các bệnh tim mạch đồng thời làm gia tăng các yếu tố nguy cơ khác. Tuy nhiên là yếu tố có thể thay đổi được, thay đổi lối sống là việc làm đầu tiên đưọc ưu tiên
- Duy trì cân nặng hợp lý, hạn chế năng lượng, giảm cân ở người béo phì
- Ngủ đủ giấc, giảm stress
- Loại bỏ các thói quen có hại: ngưng hút thuốc lá, không uống quá nhiều rượu
- Thường xuyên duy trì tập thể dục
Luyện tập đều đặn đóng vai trò quan trọng trong việc khống chế tốt lipid máu, đốt bớt mỡ thừa trrong cơ thể, điều chỉnh huyết áp, giảm nguy cơ đái tháo đường, luyện tập thể dục vừa đúng sức với mình và tình trạng sức khỏe: đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp tập 30- 45 phút/ ngày ít nhất 5 lần/ tuần.
- Chế độ ăn uống khỏe mạnh hợp lý
Các chuyên gia đều đưa ra lời khuyên là cần biết các thức ăn “ béo” tốt và không tốt để có chế độ ăn uống phù hợp nhất. Hạn chế mỡ chứa nhiều acid béo bão hòa thường có nguồn gốc từ động vật: mỡ bò, mỡ từ thịt lợn, mỡ cừu, da động vật (da gia cầm, da lợn…), lòng đỏ trứng, bơ, kem, pho mát… các chất béo bị hydro hóa (dầu chiên rán nhiều lần). Thay bằng các loại chất béo không bão hòa sẽ có lợi cho cơ thể hơn như: dầu đậu nành, dầu oliu, dầu bắp, mỡ cá…. Bổ sung thêm chất xơ: ngũ cốc hạt, các loại rau củ và hoa quả, sữa không béo…
Nếu thay đổi lối sống không hiệu quả cần kết hợp sử dụng thuốc hạ lipid máu: việc điều trị sẽ được cá nhân hóa theo từng đối tượng xét nghiệm kiểm tra lipid máu ( mỡ máu) định kỳ hàng năm.
Phòng chống và điều trị rối loạn lipid máu góp phần làm giảm nguy cơ các bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường… Vì vậy người bệnh cần tích cực thay đổi lối sống và tuân thủ điều trị của bác sĩ để dự phòng biến chứng, đảm bảo chất lượng cuộc sống.