QUY TRÌNH KỸ THUẬT THỰC HIỆN NGHIỆM PHÁP DÂY THẮT
TRONG CHĂM SÓC SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE
- QUY TRÌNH THỰC HIỆN NGHIỆM PHÁP DÂY THẮT
- Đại cương
– Thuật ngữ tương đương: dấu hiệu dây thắt, dấu hiệu lacet, nghiệm pháp sức bền thành mạch, tourniquet test (tiếng Anh), signe du lacet (tiếng Pháp).
– Mục đích:
+ Đánh giá tình trạng sức bền thành mạch máu
+ Phát hiện sớm rối loạn xuất huyết trong sốt xuất huyết Dengue.
– Nguyên lý kĩ thuật:
+ Với thành mạch có sức bền bình thường thì áp suất máu trong lòng mạch máu nhỏ không thể gây xuất huyết.
+ Khi sức bền thành mạch giảm, một áp suất cản trở tuần hoàn tĩnh mạch trở về, qua đó tăng áp suất máu trong mạch máu nhỏ có thể gây xuất huyết.
+ Nhận biết hiện tượng xuất huyết này bằng cách quan sát và đếm chấm xuất huyết xuất hiện ngoài da sau khi làm nghiệm pháp.
- Chỉ định
Đánh giá sức bền thành mạch trong các bệnh có nguy cơ xuất huyết:
– Xuất huyết giảm tiểu cầu.
– Sốt xuất huyết Dengue.
- Các bước tiến hành
3.1. Chuẩn bị
- a) Phương tiện dụng cụ
– Huyết áp kế với băng quấn phù hợp lứa tuổi và kích cỡ cánh tay.
– Đồng hồ (5 phút).
– Khung đo diện tích hình vuông mỗi cạnh 2,5 cm (6,25 cm2).
- b) Người bệnh
– Giải thích người bệnh sẽ phải chịu ép cánh tay ở vị trí đo huyết áp ít nhất 5 phút.
– Người bệnh có thể ngồi hoặc nằm.
3.2. Tiến hành
– Thực hiện quy trình đo huyết áp cho người bệnh.
– Giữ nguyên băng quấn và bơm băng quấn của huyết áp kế cho đến mức trung bình giữa huyết áp tối đa và huyết áp tối thiểu.
– Duy trì băng quấn huyết áp với mức áp suất như trên trong 5 phút.
– Xả áp suất băng quấn, tháo băng quấn và để tay người bệnh trở về sắc thái như trước khi làm nghiệm pháp.
– Quan sát mặt trước của nếp khuỷu và cẳng tay người bệnh vừa làm nghiệm pháp.
– Đặt và di chuyển khung đo để đếm số chấm xuất huyết trong 6,25 cm2.
3.3. Nhận định kết quả
– Nghiệm pháp dương tính: có trên 20 chấm xuất huyết/6,25 cm2.
– Nghiệm pháp âm tính: có dưới 20 chấm xuất huyết/6,25 cm2.
3.4. Chú ý
– Không làm nghiệm pháp dây thắt khi:
+ Người bệnh đã có biểu hiện xuất huyết dưới da.
+ Người bệnh đang truyền dịch tại tay định làm nghiệm pháp.
+ Người bệnh đang sốc.
– Chú ý phân biệt giữa chấm xuất huyết và hồng ban:
+ Chấm xuất huyết có ấn kính hoặc căng da không mất.
+ Hồng ban mất khi ấn kính hoặc căng da.
Nguồn: văn bản HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ SỐT XUẤT HUYẾT DENGUE
BỘ Y TẾ ( Khoa Hồi sức tích cực TTYT Đức Trọng. ST)