Thế nào là bệnh viêm ruột thừa?
Bệnh viêm ruột thừa là tình trạng ruột thừa bị viêm do các nguyên nhân điển hình như sự xâm nhập của vi sinh vật, khối u, sỏi phân tắc nghẽn, … Người bệnh thường bị đau xung quanh rốn hoặc trên rốn, chuyển dần sang hố chậu phải.
Ruột thừa là cấu trúc hình ống tiêu hóa nối với ruột già, ở phần dưới bên phải bụng. Ở trẻ nhỏ, cơ quan này là một phần trong hoạt động của hệ thống miễn dịch, giúp bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật. Ở người trưởng thành, chức năng này không còn đóng vai trò quan trọng như trước.
Bệnh viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi đối tượng, thường gặp nhất là người trong độ tuổi 10 – 30. Hiện nay, phương pháp điều trị tiêu chuẩn là phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa.
(Hình ảnh giải phẫu)
Bệnh có thể xảy ra do các nguyên nhân như:
- Sự xâm nhập từ virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng trong đường tiêu hóa
- Tắc nghẽn lòng ruột thừa do sỏi phân
- Khối u ruột thừa hay u manh tràng
Tất cả các yếu tố này có thể khiến ruột thừa bị viêm, gây sưng đau dữ dội. Quá trình vận chuyển máu tới cơ quan sẽ ngưng lại khi triệu chứng sưng tấy nghiêm trọng hơn. Nếu lưu lượng máu không được cung cấp đủ, ruột thừa sẽ bắt đầu thiếu máu, gây hoại tử ruột thừa. Khi viêm ruột thừa diễn tiến mà không được điều trị, ruột thừa có nguy cơ bị vỡ khiến phân, chất nhầy, virus, vi khuẩn… rò rỉ vào bên trong bụng, dẫn tới hàng loạt những vấn đề sức khỏe nguy hiểm như viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết, …
Thời gian ủ bệnh viêm ruột thừa là bao lâu?
*Viêm ruột thừa cấp: Tình trạng viêm thường xảy ra đột ngột. Viêm ruột thừa cấp thường gặp nhất ở người trong độ tuổi 10 – 30, nhất là ở nam giới. Cơn đau có xu hướng tiến triển nặng trong vòng 24 giờ.
*Viêm ruột thừa mạn tính: Những triệu chứng bệnh tương đối nhẹ, thường xuất hiện sau một tình trạng viêm cấp tính. Triệu chứng đau đớn có xu hướng biến mất trước khi xuất hiện trở lại trong khoảng vài tuần, vài tháng hay thậm chí vài năm. Dạng viêm ruột thừa này khó chẩn đoán, đôi khi chỉ được phát hiện khi đã phát triển thành cấp tính.
Diễn tiến của viêm ruột thừa
Khi không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh viêm ruột thừa có thể diễn tiến hình thành:
- Đám quánh ruột thừa
- Ruột thừa viêm được mạc nối lớn và những cấu trúc xung quanh bao bọc
- Trên lâm sàng, triệu chứng cơ năng giảm dần, không sốt. Người bệnh cảm thấy đỡ hoặc hết đau bụng.
- Khi khám lâm sàng, bác sĩ có thể sờ thấy một mảng cứng ở hố chậu phải, ranh giới không rõ ràng. Đôi khi, khám lâm sàng khó phân biệt giữa đám quánh ruột thừa và áp xe ruột thừa.
- Đám quánh ruột thừa có thể phát triển theo 2 hướng:
- Tan dần, người bệnh bớt đau, giảm phản ứng viêm
- Tạo thành ổ áp xe ruột thừa
- Áp xe ruột thừa
- Viêm ruột thừa cấp vỡ mủ được các tạng lân cận (mạc nối lớn, ruột non) bao quanh, cô lập tạo thành ổ mủ khu trú (áp xe ruột thừa)
- Thời gian hình thành ổ áp xe ruột thừa khoảng 4 – 5 ngày
- Khi khám lâm sàng, bác sĩ sờ thấy một khối tại hố chậu phải, di động kém, ấn vào người bệnh rất đau và có phản ứng thành bụng
- Viêm phúc mạc
- Ruột thừa viêm vỡ mủ được bao bọc khu trú một phần hoặc không được bao bọc, làm mủ lan rộng một phần hay toàn bộ ổ bụng, gây viêm phúc mạc khu trú hoặc toàn thể
- Có thể khu trú tại hố chậu phải, nửa bụng dưới hay viêm phúc mạc toàn bộ
- Viêm phúc mạc ruột thừa thường xảy ra khi người bệnh được phát hiện viêm ruột thừa muộn
- Triệu chứng lâm sàng thường thấy là người bệnh đau nhiều ở hố chậu phải, sốt cao trên 39°C, chướng bụng và bí đại tiện
- Khi khám lâm sàng, người bệnh có biểu hiện đau tại vùng hố chậu phải hoặc khắp bụng
Làm sao nhận biết bị viêm ruột thừa?
Dấu hiệu điển hình của bệnh viêm ruột thừa cấp là đau bụng, buồn nôn, sốt. Khi tình trạng sưng và viêm trở nên nghiêm trọng hơn, thành bụng sẽ bị kích thích, dẫn tới việc khu trú cơn đau tại vùng hạ sườn phải. Triệu chứng này thường không nhận thấy ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi.
Dấu hiệu ban đầu là cơn đau âm ỉ xung quanh rốn, sau vài giờ chuyển sang vùng hố chậu phải. Lúc này, thành bụng trở nên nhạy cảm với áp lực nhẹ. Đối với trường hợp ruột thừa khu trú phía sau manh tràng, sờ bụng vùng hố chậu phải có thể không đau. Tương tự, khi ruột thừa nằm hoàn toàn trong khung chậu, người bệnh hoàn toàn không nhận thấy triệu chứng căng cứng vùng bụng. Đối với trường hợp này, khi thăm khám trực tràng, có thể có dấu hiệu đau ở túi cùng Douglas.(2)
Cần làm gì khi bị viêm ruột thừa?
Khi bị viêm ruột thừa, người bệnh nên nhanh chóng đi đến các cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và có hướng can thiệp sớm, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng. Các trường hợp không được điều trị kịp thời có thể xuất hiện những biến chứng nghiêm trọng như:(1)
- Vỡ ruột thừa: Ruột thừa khi bị vỡ sẽ lây lan nhiễm trùng khắp bụng, gây viêm phúc mạc, đe dọa tới tính mạng của người bệnh. Tình trạng này cần được phẫu thuật càng sớm càng tốt.
- Áp xe: Áp xe là tình trạng ổ mủ hình thành ở trong bụng.
Khi điều trị viêm ruột thừa, bác sĩ sẽ dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm, để từ đó chỉ định phương pháp điều trị phù hợp cho mỗi người bệnh, cụ thể như sau:
Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa
Phương pháp phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa có thể được thực hiện dưới dạng mổ hở, với vết rạch trên bụng khoảng 5 – 10cm hay mổ nổi soi với vết rạch nhỏ hơn. Đối với phẫu thuật nội soi, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ mổ nội soi cùng ống kính camera đưa vào khoang bụng qua các vết rạch nhỏ để tiến hành cắt bỏ ruột thừa. Phương pháp này thường được ưu tiên thực hiện bởi thời gian phục hồi nhanh, ít đau, để lại sẹo nhỏ. Phẫu thuật nội soi cũng là lựa chọn điều trị phù hợp hơn với người lớn tuổi và người béo phì.
Hình ảnh kíp phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa
Tại Khoa ngoại TTYT Huyện Đức Trọng trong 09 tháng năm 2023 phẫu thuật,
điều trị ổn định hơn 200 ca bệnh.
Nếu ruột thừa đã vỡ, nhiễm trùng lan rộng hay xuất hiện áp xe, tùy bác sĩ đánh giá có thể mổ nội soi được hay không, và sẽ cần đặt ống dẫn lưu trong mổ. Sau mổ, người bệnh sẽ cần nằm lại bệnh viện vài ngày để theo dõi và chăm sóc.
Chế độ dinh dưỡng sau mổ ruột thừa
Sau phẫu thuật điều trị bệnh viêm ruột thừa, người bệnh cũng cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Việc lựa chọn những thực phẩm tốt sẽ giúp bạn cải thiện sức đề kháng, nhờ đó mà khả năng phục hồi cũng tăng lên.
Sau mổ, người bệnh cần ưu tiên bổ sung các thực phẩm như:
- Đồ ăn mềm: Cháo, súp, cơm nhão, canh… là những món ăn mềm rất tốt cho người mới phẫu thuật. Lựa chọn các món ăn này không chỉ vì dễ nuốt, tiêu hóa dễ dàng mà còn không gây áp lực lên đường ruột.
- Đồ ăn dễ tiêu: Vào ngày đầu sau mổ, người bệnh được truyền dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch. Trong ngày đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh có thể uống nước cháo hoặc sữa. Bạn có thể ăn uống bình thường vào những ngày sau. Tuy nhiên, các lựa chọn ăn uống trong giai đoạn này nên là đồ ăn dễ hấp thu, dễ tiêu như sữa chua, bơ, khoai lang, khoai tây nghiền, chuối…
- Thực phẩm giàu chất xơ: Người bệnh nên tăng cường bổ sung chất xơ trong chế độ ăn sau mổ. Điều này vừa tránh ảnh hưởng tới vết mổ vừa giúp dễ tiêu, ngăn ngừa nguy cơ táo bón. Việc bổ sung thêm các thực phẩm giàu chất xơ còn hạn chế nguy cơ xuất hiện biến chứng sau phẫu thuật. Người bệnh nên bổ sung vào thực đơn các thực phẩm nhiều chất xơ như ngũ cốc nguyên cám, cải bó xôi, hoa quả, rau xanh…
- Thực phẩm giàu đạm: Các thực phẩm giàu đạm sẽ giúp làm tăng khả năng liên kết và khả năng tái tạo tế bào mới, nhờ đó vết mổ nhanh lành hơn. Thực phẩm giàu đạm nên bổ sung vào chế độ ăn của người bệnh như cá biển, thịt gà, thịt bò, đậu hũ…
- Thực phẩm giàu kẽm và vitamin C, vitamin A: Đây là nhóm thực phẩm giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng, hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi. Vitamin C và vitamin A không chỉ cải thiện sức đề kháng mà còn giúp giảm nguy cơ nhiễm khuẩn vết mổ. Trong chế độ ăn, người bệnh nên bổ sung các thực phẩm như chanh, bưởi, cam, rau ngót, kiwi, dâu tây, cà rốt, đu đủ, rau xanh…
Người bệnh sau mổ nên dùng những món ăn lỏng, dễ tiêu.