- Thông tin về già hóa dân số:
Theo tổ chức Y tế Thế giới WHO hiện nay, thế giới có khoảng 901 triệu người cao tuổi (năm 2015), chiếm 12,3% dân số. Số này sẽ tăng lên hơn 2 tỷ người vào năm 2050, chiếm 22% dân số thế giới.
Tại Việt Nam, vấn đề thách thức đang đặt ra là dù chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011, nhưng tốc độ già hóa nhanh trong bối cảnh vẫn là một nước có mức thu nhập trung bình thấp, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi còn thấp:
Hiện nay Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người. Dự báo đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 18% và năm 2050 là 26%.
- Quá trình lão hóa:
Lão hóa là sự già đi của cơ thể, là một quy luật tất yếu của “Sinh- Lão- Bệnh- Tử”. Sống lâu là ước vọng xưa nay của loài người, nhưng làm thế nào để sống lâu khỏe mạnh, vui vẽ, hữu ích? Để thực hiện được chúng ta cần tìm hiểu quá trình lão hóa và các biện pháp hạn chế quá trình này. Quá trình lão hóa xảy ra từ trong toàn bộ cơ thể, thể hiện bằng sự suy giảm các chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Tiến độ lão hóa không giống nhau giữa các bộ máy người này với người khác.
* Một số biện pháp hạn chế lão hóa:
– Không sống bừa bãi và thiếu trách nhiệm lúc còn trẻ.
– Tránh các thói quen xấu như : nghiện thuốc lá, rượu, cờ bạc, lười vận động…
– Phát hiện bệnh sớm và chữa bệnh kịp thời, đúng đắn.
– Ăn uống hợp lý phù hợp sức khỏe và điều kiện.
- Quy định pháp luật về chăm sóc SK NCT và quyền được chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi.
– Quy định pháp luật về chăm sóc NCT:
Ngày 23/11/2009 Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 đã ban hành Luật người cao tuổi số 39/2009/QH12 trong đó có 6 chương và 31 điều quy định một số điều cơ bản như sau:
Quyền và nghĩa vụ của NCT, chính sách Nhà nước đối với NCT, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân đối với NCT, quy định việc chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT, khám bệnh, chữa bệnh đối với NCT, các chính sách bảo trợ xã hội đối với NCT, quy định chúc thọ, mừng thọ, tổ chức tang lễ, phát huy vai trò NCT và các hoạt động của Hội NCT, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước về công tác NCT.
Ngày 30/12/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017-2025 đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ đạt 100% NCT hoặc người thân trực tiếp chăm sóc NCT biết thông tin về già hóa dân số, quyền được chăm sóc sức khỏe của NCT và các kiến thức chăm sóc sức khỏe NCT; 80% NCT có khả năng tự chăm sóc, được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe; 80% NCT được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần/năm và được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; 90% NCT khi bị bệnh được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe; 100% BV tuyến Trung ương và tuyến tỉnh (trừ BV chuyên khoa Nhi) có tổ chức Khoa Lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là NCT; khuyến khích thành lập mới BV Lão khoa tại các thành phố trực thuộc trung ương. Đặc biệt, 100% NCT phải có thẻ BHYT.
– Quyền được phụng dưỡng và chăm sóc của NCT:
Xuất phát từ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi cũng như khả năng đáp ứng của các cơ sở y tế hiện nay, Luật người cao tuổi đưa ra quy định về ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi, cụ thể:
– Người từ đủ 80 tuổi trở lên được ưu tiên khám trước người bệnh khác, trừ bệnh nhân cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật nặng;
– Bố trí giường nằm phù hợp khi điều trị nội trú.
Để thực hiện tốt việc khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi, Luật người cao tuổi quy định các bệnh viện, trừ bệnh viện chuyên khoa nhi, có trách nhiệm sau đây:
– Tổ chức khoa lão khoa hoặc dành một số giường để điều trị người bệnh là người cao tuổi;
– Phục hồi sức khoẻ cho người bệnh là người cao tuổi sau các đợt điều trị cấp tính tại bệnh viện và hướng dẫn tiếp tục điều trị, chăm sóc tại gia đình;
– Kết hợp các phương pháp điều trị y học cổ truyền với y học hiện đại, hướng dẫn các phương pháp chữa bệnh không dùng thuốc ở tuyến y tế cơ sở đối với người bệnh là người cao tuổi.
Về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú, Điều 13 Luật người cao tuổi quy định về việc giao cho trạm y tế xã, phường, thị trấn chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi như hướng dẫn người cao tuổi kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc sức khoẻ; khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với chuyên môn cho người cao tuổi; phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên tổ chức kiểm tra sức khoẻ định kỳ cho người cao tuổi; cử cán bộ y tế đến khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hỗ trợ việc đưa người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo đề nghị của trạm y tế xã, phường, thị trấn.
- 4. Tổ chức đời sống tinh thần và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người cao tuổi:
Người cao tuổi thường coi trọng giá trị tinh thần hơn vật chất do vậy phải quan tâm, đến sức khỏe tinh thần vì nó vốn là phần thăng hoa, tinh tế nên việc chăm sóc sức khỏe tinh thần rất quan trọng.
Gia đình là chỗ dựa vững chắc cả về vật chất và tinh thần cho NCT, dân gian có câu: “Trẻ cậy cha, già cậy con”, tuy nhiên cần phải tổ chức đời sống gia đình sao cho hợp tình, hợp lý. Như:
– Có nơi sinh hoạt riêng cho người già: thoáng mát, rộng rãi, gần gũi với con cháu.
– Bữa ăn cần mang nhiều ý nghĩa về tinh thần hơn vật chất.
– Trong sinh hoạt: không quá gò bó cần tôn trọng sở thích của người già.
– Không ngăn cản người già “đi bước nữa”, tạo điều kiện để người cao tuổi có bạn và không bị cô đơn.
- Những điều cần biết trong sinh hoạt hàng ngày của người cao tuổi.
Để có thể sống được khỏe mạnh lâu hơn, NCT cần phải nắm được những điều đơn giản sau đâu:
– Nên ngủ nghỉ, sinh hoạt như sau:
+ Về ngủ và nghỉ: Ngủ sớm và dạy sớm tốt hơn, trước khi đi ngủ nên ngâm chân nước ấm, xoa bóp các đầu ngón tay, ngón chân; không tắm trước khi đi ngủ. Hoạt động thể lực và trí lực cần vừa đủ, đều đặn, không quá sức.
+ Về tắm rửa: Cần làm quen với sự thay đổi nhiệt độ, tuyệt đối không dội ngay nước vào gáy và cột sống, không nằm, ngồi dưới quạt, sàn nhà khi vừa tắm xong. không tắm khi mồ hôi còn ướt…
`+ Tạo thói quen đi đại tiện hàng ngày, có thể gây phản xạ bằng cách xoa bụng từ phải sang trái, uống 1 cốc nước hoặc 1 ly sữa, có thể thay đổi tư thế ngồi để cơ trơn hậu môn dễ mở hơn. Đứng lên từ từ, không đứng dậy ngay, nếu chóng mặt phải vịn vào chỗ nào đó chờ hết chóng mặt mới đứng lên.
+ Nếu hay bị chóng mặt thì đi tiểu tiện cũng phải vịn vào chỗ nào đó, đi tiểu đêm dễ xảy ra tai biến mạch máu não, tốt nhất nên có bô để cạnh giường tiện với tay với.
+ Nếu đại tiểu tiện có vấn đề cần phải đi khám ngay (nam giới hay bị phì đại tuyến tiền liệt).
– Nên nằm và ngồi như thế nào:
+ Tránh ngồi nơi gió lùa, nếu có gió thì nên để thổi sau lưng. Khi lên xuống cầu thang thấy khó thở so với hôm trước cần đi khám bệnh. Bị ho kéo dài quá 5 hôm phải đi khám bệnh.
+ Nằm ngủ không gối đầu cao, không thay đổi đột ngột tư thế nằm. Không đọc sách quá lâu, không ngồi cả ngày. Khi đi lại, làm việc chú ý giữ cho lưng thẳng. Khi ngủ dậy nên xoa bóp các khớp, nếu thấy khác thường như tê nửa người, bại một bên tay, chân nên nằm nghỉ và mời bác sỹ đến khám.
– Khi đi ngoài trời: Không để đầu trần, không để vấp ngã, nên ngậm một ít gừng giữ ấm cổ (lúc trời lạnh). Khi có người gọi không quay người ngay và mạnh dễ bị chóng mặt và ngã.
– Dinh dưỡng cho người cao tuổi:
– Hạn chế ăn nhiều đường, muối, chất béo có hại, giảm ăn thịt, nội tạng động vật. Không ăn quá no, uống quá nhiều bia rượu.
– Tăng ăn rau, hoa quả tươi chín, cá tươi, đạm thực vật: đậu, lạc, vừng (bổ sung dinh dưỡng, chống lão hóa có chọn lọc).
– Chú ý ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm.
– Việc sử dụng thuốc cho người cao tuổi:
– Thuốc chỉ có tác dụng khi sử dụng đúng loại thuốc cho từng loại bệnh.
– Dùng đúng liều lượng, đúng thời gian (theo hướng dẫn của bác sỹ)
– Thực hiện đúng cách dùng để tránh tác dụng phụ (ăn gì, kiêng gì, uống trước hay sau bữa ăn).
– Không tự ý uống thuốc không theo đơn hoặc liều thuốc. Không cả tin nghe theo mách bảo của người khác mà phải theo lời dặn của thày thuốc hoặc kinh nghiệm dùng thuốc của bản thân.
- Một số bệnh thường gặp ở NCT và cách phòng tránh:
– Bệnh về hệ xương khớp
Đau xương, khớp, thoái hóa khớp nhất là đốt sống thắt lưng, khớp gối hoặc bệnh gút làm cho người bệnh đau đớn, lo lắng, buồn chán, nhất là khi thay đổi thời tiết, đặc biệt là mùa lạnh.
Triệu chứng đau nhức các khớp xương tương đối phổ biến ở người cao tuổi, đặc biệt là về đêm gây khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe và gây mất ngủ hoặc ngủ không sâu, không ngon giấc.
– Bệnh về hệ thống tuần hoàn
Trong số các bệnh về tim mạch ở người cao tuổi thì bệnh xơ vữa động mạch, bệnh thiểu năng mạch vành, bệnh tăng huyết áp… chiếm tỷ lệ tương đối nhiều, các loại bệnh này thường gặp ở những người béo phì, nghiện bia, rượu.
– Bệnh về hệ hô hấp
Bệnh viêm họng, viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản, tâm phế mãn tính, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính…là những bệnh gặp khá nhiều ở người cao tuổi, nhất là ở những người có tiền sử hút thuốc lá hoặc đang hút thuốc lá, thuốc lào và những người sống trong tình trạng thiếu dưỡng khí như: nhà chật hẹp, thiếu ánh sáng, khói bếp nhiều…
Đặc điểm của bệnh về đường hô hấp lại thường hay xảy ra vào mùa lạnh hoặc mùa đông, thay đổi thời tiết, lúc giữa đêm gần sáng, do đó rất dễ làm cho người cao tuổi có thể mất ngủ kéo dài.
– Bệnh về đường tiêu hóa
Người cao tuổi rất dễ mắc bệnh rối loạn tiêu hóa như: viêm loét miệng, ăn không tiêu, đầy hơi, chướng bụng, táo bón hoặc đi lỏng…
Táo bón là một bệnh do nhiều lý do khác nhau nhưng trong đó có một lý do mà người cao tuổi hay gặp phải là do ít vận động. Một số người cao tuổi thường ngồi một chỗ, thêm vào đó là ít ăn rau.
– Bệnh về hệ tiết niệu, sinh dục
Người cao tuổi cũng rất dễ mắc các bệnh về hệ tiết niệu, sinh dục, đặc biệt là u xơ tiền liệt tuyến hoặc có thể bị bệnh ung thư tiền liệt tuyến. Những bệnh về sinh dục, tiết niệu thường có hiện tượng đi tiểu nhiều lần, tiểu dắt, tiểu són, nhất là vào ban đêm gây nhiều khó chịu cho người cao tuổi.
– Bệnh về hệ thần kinh trung ương
Đa số người cao tuổi do hệ thần kinh trung ương bị lão hóa dần theo tuổi nên làm cho trí nhớ giảm, hay quên, cá biệt mắc một số bệnh như: Parkinson hoặc Alzheimer.
– Rối loạn một số chỉ số về mỡ máu
Rối loạn Cholesterol, triglycerid; rối loạn về chức năng gan; đái tháo đường (bệnh tiểu đường) cũng là một số biểu hiện dễ gặp ở người cao tuổi do suy giảm chức năng sinh lý; đi kèm các rối loạn một số chỉ số này thường gặp ở người cao tuổi có tăng huyết áp, viêm gan, nghiện rượu…
Ngoài ra, người ta còn thấy người cao tuổi thường thiếu một lượng nước cần thiết do thói quen uống ít nước hoặc ăn nhiều chất đạm như: cá, trứng, thịt gà, thịt lợn, thịt bò… làm xuất hiện một số bệnh về đường tiêu hóa hoặc làm da khô, nứt nẻ khó chịu…
* Cách phòng tránh:
Nên đi khám bệnh định kỳ vì khi đi khám bệnh định kỳ nếu có bệnh thầy thuốc sẽ phát hiện ra bệnh và ngay cả khi không có bệnh sẽ được thầy thuốc đưa ra những lời khuyên và tư vấn hữu ích.
Không nên nằm hoặc ngồi lâu một chỗ mà nên tập thể dục đều đặn như tập hít thở trước và sau khi ngủ dậy, tập vận động tay chân, xoa, bóp các cơ bắp. Có thể tập nhẹ nhàng trong nhà, trong vườn hoặc nơi có điều kiện thuận lợi như gần công viên, câu lạc bộ và nên đến những nơi này để vừa tập, vừa có cơ hội gặp gỡ bạn bè trao đổi, tâm sự để giải tỏa một phần bức xúc và có thể học tập kinh nghiêm lẫn nhau trong việc gìn giữ, bảo vệ sức khỏe thì càng tốt.
Để tránh thiếu lượng nước cần thiết nên uống nước đều đặn và đầy đủ vào buổi sáng (trung bình cần từ 2 đến 2,5 lít nước/ngày). Cần ăn nhiều chất xơ: rau, củ, quả cũng là một hình thức cung cấp một lượng nước đáng kể, cung cấp chất xơ để hạn chế táo bón, đồng thời bổ sung lượng vitamin tự nhiên nhưng rất cần thiết ở người cao tuổi.
Buổi tối trước khi đi ngủ không nên uống nhiều nước có thể gây nên hiện tượng đi tiểu đêm và càng không nên uống nhiều rượu, bia, không hút thuốc lá, thuốc lào làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Ngoài ra, gia đình của người cao tuổi: con, cháu nên gần gũi, động viên, chăm sóc ông bà, bố mẹ thường xuyên và những lúc ốm đau góp phần đáng kể làm cho người cao tuổi ít bệnh tật và cảm thấy cuộc sống đầm ấm, thoải mái về tinh thần để người cao tuổi được sống khỏe mạnh, vui vẽ và hữu ích./.